Nói về lợi thế về giới trong kinh doanh, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cho rằng, thương trường là nơi dành cho những người can đảm. Trên thương trường, không có chỗ cho sự yếu đuối. Đã làm kinh doanh phải chấp nhận sự sòng phẳng. Các đối thủ cạnh tranh không bao giờ buông tha cho bạn vì bạn là phụ nữ. Làm bất cứ việc gì, cơ bản bạn vẫn phải cống hiến bằng, năng lực của mình, đừng trông chờ lợi thế.
Theo bà Thảo, điểm chung trong sự thành công của cả phụ nữ và đàn ông là phải làm việc chăm chỉ, nghiêm túc. Bên cạnh lòng can đảm và quyết tâm, phụ nữ có đức hi sinh, sự nhẫn nại và lòng bao dung để cùng doanh nghiệp của mình đi qua những khó khăn và ngày càng phát triển.
Sự yếu mềm, bao dung phụ nữ cũng là lý do khiến bà chủ HDBank và Vietjet có những quyết định lớn, mang tính bước ngoặt. Tại Vietjet, đề án ban đầu được xây dựng để hướng đến mục tiêu là một hàng hàng không 5 sao. Tuy nhiên, chỉ sau một câu hỏi, bà Thảo đã thay đổi mục tiêu và triển khai kế hoạch đưa Vietjet thành một hãng bay đại chúng. "Trong một chuyến đi từ thiện vùng cao, một bà mế dân tộc hỏi tôi: “Bao nhiêu tấn thóc để có thể mua được một chiếc vé máy bay, để mế để dành? Mế chỉ mong trước khi nhắm mắt được bước chân lên máy bay". Câu hỏi ấy, nguyện vọng ấy đã khiến trái tim người phụ nữ bé nhỏ không ngừng day dứt. Và bà quyết định chuyển sang nghiên cứu mô hình đại chúng, giá rẻ và nhận thấy mô hình này mang lại cơ hội bay cho rất nhiều người, kéo theo sự phát triển của kinh tế, du lịch, đầu tư rất mạnh mẽ.
“Hồi nhỏ, tôi cũng từng không ít lần ngước lên trời nhìn máy bay và lòng thầm ước một ngày mình được ngồi lên đó, được đến những nơi xa xôi mình chưa bao giờ được đặt chân tới. Ước mơ của hàng triệu người trải qua bao đời vẫn không thực hiện được. Bởi vì với nhiều người ở trong nước và trên thế giới, vé máy bay vẫn đắt đỏ bằng cả một gia tài nên chưa thể thực hiện được ước mơ bay”- bà nói.
Từ một vài chặng bay nội địa khi mới ra mắt, Vietjet đã dần mở rộng khai thác 80 tàu bay trên 120 điểm đến. "Chiến lược của chúng tôi là mở rộng mạng bay tới các thị trường trong bán kinh 2.500 dặm. Như thế, chúng tôi có thể phát triển các căn cứ, từ đó phục vụ một nửa dân số thế giới"- bà Thảo chia sẻ.
Nỗ lực mở rộng của Vietjet mang lại kết quả tốt. Cổ phiếu của công ty đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi IPO năm 2017, đưa vốn hóa thị trường của công ty lên hơn 3 tỷ USD – cao thứ 2 Đông Nam Á chỉ sau Singapore Airlines. Và Vietjet cũng đang trao đổi hợp tác với các đối tác trong khu vực để mở rộng hơn nữa bên ngoài Việt Nam.
Ngoài vai trò là CEO hãng hàng không Vietjet, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo còn là một bóng hồng quyền lực trong giới tài chính, ngân hàng.
Sinh ra trong một gia đình Hà Nội gốc, năm 17 tuổi, bà Thảo đi du học sau kỳ thi xuất sắc vào Đại học Ngoại Thương Hà Nội.
Trong giới doanh nhân thành đạt trở về từ Đông Âu, bà là nữ doanh nhân bước vào thương trường và thành công sớm nhưng vẫn đam mê sự nghiệp học hành, nghiên cứu khoa học. Cô gái bé nhỏ, xinh xắn thời ấy đã trải qua 3 trường đại học danh giá với chuyên ngành tài chính, tín dụng, ngân hàng; kinh tế; nghệ thuật hiện đại và trở thành tiến sĩ kinh tế vào năm 27 tuổi.
Bà tham gia sáng lập và quản trị những ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam là Techcombank và VIB.
Tới năm 2008, bà đầu tư vào HDBank, trở thành Phó chủ tịch Thường trực HĐQT và là linh hồn của chiến lược đổi mới, tăng tốc toàn diện của ngân hàng này.
Bà Thảo ghi dấu ấn với 2 thương vụ M&A đình đám là sáp nhập DaiABank vào HDBank và mua công ty tài chính SGVF từ ngân hàng Société Générale (Pháp) rồi liên doanh với đối tác Nhật thành HD SAISON. “Ngoài Vietjet, các doanh nghiệp khác của tôi như HDBank, trong 8 năm đã tăng trưởng gấp 15 lần. Công ty tài chính tiêu dùng HD SAISON tăng 800% trong 3 năm kể từ khi tôi mua lại”- bà Thảo cho biết. Và sự tăng trưởng đó đến từ những nỗ lực làm việc có kế hoạch không miệt mài của người phụ nữ Hà Nội nhỏ bé Nguyễn Thị Phương Thảo.
Là người phụ nữ giàu nhất Việt Nam và giàu thứ 3 trên thị trường chứng khoán (tính đến chốt phiên 5/3/2021) nhưng CEO Vietjet từng chia sẻ, bà không rõ mình có chính xác bao nhiêu tiền. Đối với bà, tiền nhiều là phương tiện để giúp bà thực hiện được nhiều điều tốt đẹp hơn cho xã hội.
Từ lâu, bà Thảo đã có tiếng là người rất hăng hái, nhiệt huyết trong các công tác thiện nguyện và dành mối quan tâm đặc biệt tới trẻ em chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Bà cũng là người đã truyền cảm hứng cho đội ngũ hàng chục ngàn nhân viên của mình tham gia vào các hoạt động từ thiện trên khắp cả nước.
Mới đây, Vietjet đã cùng Hội Bảo vệ quyền trẻ em phát động chương trình Tết ấm cho em năm 2021, trao học bổng và các phần quà cho 1.000 trẻ em chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai lũ lụt, trẻ dân tộc vùng sâu, vùng xa tại các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế và Ninh Bình.
Trong năm qua, hãng hàng không Vietjet của bà Phương Thảo đã thực hiện hàng trăm chuyến bay hồi hương Việt kiều về nước tránh dịch Covid-19; vận chuyển miễn phí hàng nghìn tấn hàng cứu trợ đồng bào thiệt hại do bão lũ tại miền Trung; chuyên chở miễn phí nhiều đoàn công tác phòng chống dịch, phòng chống bão lũ…
Bản thân nữ tỷ phú đã trích tiền cá nhân, thông qua sự phối hợp giữa Vietjet và cơ quan ngoại giao các nước, để tặng 2,5 triệu khẩu trang cho người dân các nước Anh, Pháp, Đức, Mỹ…